Bí quyết nghiên cứu thị trường dễ dàng và nhanh chóng
Ngày nay, quá trình thực hiện việc nghiên cứu thị trường để có thể hiểu được cơ sở khách hàng hiện tại của bạn và nhận biết khách hàng tiềm năng đã trở nên dễ dàng hơn nhiều so với trước kia. Các công cụ nghiên cứu nhanh chóng và miễn phí đang tồn tại ngay trong tầm tay của bạn. Hãy cùng khám phá chúng trong bài viết này.
1. Các loại hình nghiên cứu thị trường
1.1. Nghiên cứu sơ cấp
Mục tiêu của nghiên cứu sơ cấp là thu thập dữ liệu từ phân tích doanh số bán hàng và hiệu quả của các hoạt động hiện tại. Nghiên cứu sơ cấp cũng đưa kế hoạch của đối thủ cạnh tranh vào tính toán, cung cấp cho bạn thông tin về đối thủ cạnh tranh.
Việc thu thập nghiên cứu sơ cấp có thể bao gồm:
- Phỏng vấn (qua điện thoại hoặc trực tiếp)
- Khảo sát (trực tuyến hoặc qua thư)
- Bảng câu hỏi (trực tuyến hoặc qua thư)
- Các nhóm tập trung của một mẫu khách hàng tiềm năng hoặc khách hàng và nhận phản hồi trực tiếp từ họ
Một số câu hỏi quan trọng có thể bao gồm:
- Những yếu tố nào bạn thường xem xét khi mua sản phẩm hoặc dịch vụ này?
- Bạn thích hay không thích điều gì ở các sản phẩm hoặc dịch vụ hiện tại đang có trên thị trường?
- Bạn sẽ đề nghị cải thiện những lĩnh vực nào?
- Mức giá thích hợp cho một sản phẩm hoặc dịch vụ là bao nhiêu?
1.2. Nghiên cứu thứ cấp
Mục tiêu của nghiên cứu thứ cấp là phân tích các dữ liệu đã được công bố. Với dữ liệu thứ cấp, bạn có thể xác định đối thủ cạnh tranh, thiết lập các tiêu chuẩn và xác định phân khúc thị trường mục tiêu. Phân khúc thị trường của bạn là những người rơi vào nhân khẩu học bạn đã nhắm mục tiêu – những người sống theo một lối sống nhất định, biểu hiện các mẫu hành vi cụ thể hoặc rơi vào một nhóm tuổi đã được xác định trước.
1.3. Thu thập dữ liệu
Không doanh nghiệp nhỏ nào có thể thành công mà không có sự hiểu biết về khách hàng, các sản phẩm, dịch vụ của họ và thị trường nói chung. Cạnh tranh thường rất khốc liệt và việc hoạt động mà không tiến hành nghiên cứu có thể đem đến cho đối thủ cạnh tranh của bạn một lợi thế so với bạn.
Có hai loại thu thập dữ liệu: định lượng và định tính.
Phương pháp định lượng sử dụng phân tích toán học và yêu cầu một kích thước mẫu lớn. Các kết quả của dữ liệu này làm sáng tỏ sự khác biệt mang tính thống kê. Nếu bạn có trang web, bạn có thể tìm kết quả định lượng trong các phân tích web của bạn (có sẵn trong bộ công cụ Analytics của Google). Thông tin này có thể giúp bạn xác định nhiều thứ, chẳng hạn như khách hàng tiềm năng của bạn đến từ đâu, khách truy cập ở lại trên trang web của bạn bao lâu và họ bỏ đi từ trang nào.
Phương pháp định tính giúp bạn phát triển và tinh chỉnh phương pháp nghiên cứu định lượng của bạn. Chúng có thể giúp các chủ doanh nghiệp xác định vấn đề và thường sử dụng phương pháp phỏng vấn để tìm hiểu về những ý kiến, giá trị và niềm tin của khách hàng. Với nghiên cứu định tính, kích thước mẫu thường nhỏ.
2. Những sai lầm phổ biến
Nhiều chủ doanh nghiệp mới, thường bị giới hạn về thời gian và tiền bạc, có thể sẽ đi những đường tắt mà sau này dễ bị phản tác dụng. Dưới đây là 3 sai lầm cần tránh:
2.1. Chỉ sử dụng nghiên cứu thứ cấp
Việc dựa vào dữ liệu đã công bố của người khác không đem lại cho bạn bức tranh toàn cảnh. Tất nhiên đó có thể là một điểm khởi đầu tuyệt vời, nhưng thông tin bạn nhận được từ nghiên cứu thứ cấp có thể đã bị lỗi thời. Bạn có thể bỏ lỡ các yếu tố khác liên quan đến doanh nghiệp của mình.
2.2. Chỉ sử dụng các nguồn trên web
Khi bạn sử dụng các công cụ tìm kiếm phổ biến để thu thập thông tin, bạn chỉ nhận được dữ liệu đã có sẵn cho tất cả mọi người và có thể sẽ không hoàn toàn chính xác. Để thực hiện nghiên cứu sâu hơn trong khi vẫn duy trì được ngân sách của bạn, hãy sử dụng các nguồn tài nguyên tại thư viện ở địa phương, các trường đại học hoặc trung tâm doanh nghiệp nhỏ.
2.3. Chỉ khảo sát những người quen biết
Chủ doanh nghiệp nhỏ đôi khi chỉ phỏng vấn các thành viên gia đình và đồng nghiệp gần gũi khi tiến hành nghiên cứu, nhưng bạn bè và gia đình thường không phải là đối tượng điều tra tốt nhất. Để có được thông tin hữu ích và chính xác nhất, bạn cần phải nói chuyện với khách hàng thực tế về nhu cầu, mong muốn và kỳ vọng của họ.
3. Bí quyết nghiên cứu thị trường dễ dàng và hiệu quả
3.1. Bắt đầu với những điều cơ bản
Thu thập dữ liệu về khách hàng hiện tại sẽ giúp bạn hiểu được họ là ai và dẫn đến việc khám phá xem làm thế nào để tiếp cận họ. Một cách hiệu quả để bắt đầu là xác định những phân nhóm (thị trường ngách) tồn tại trong đối tượng mục tiêu của bạn và tạo ra khách hàng lý tưởng. Sử dụng các trang web, chẳng hạn như trang của Tổng cục Thống kê, để thu thập dữ liệu về khách hàng mục tiêu của bạn từ các cuộc điều tra và thông tin theo tỉnh thành, độ tuổi, ngành nghề, khu vực địa lý và nhiều hơn thế nữa.
3.2. Xem xét các thống kê người hâm mộ / người theo dõi / người đăng ký
Các nhà tiếp thị cần phải biết những gì thu hút sự chú ý khách hàng và nơi họ đang dành thời gian trên trực tuyến. Thông tin về nhân khẩu học và tâm lý học được tạo sẵn cho bạn thông qua các công cụ như Facebook Page Insights, Twitter Analytics, Pinterest Business Analytics, YouTube Analytics và nhiều trang khác.
Những trang web này và những trang khác (ví dụ như TweetStats, HootSuite Social Analytics) cung cấp các báo cáo tùy chỉnh để giúp bạn hiểu được lợi tức đầu tư (Return On Investment – ROI) của phương tiện truyền thông xã hội. Sử dụng Followerwonk để phân tích các hồ sơ cụ thể của khách hàng trên phương tiện truyền thông xã hội để tìm ra những người mà họ theo dõi và mối quan tâm của họ. Đối với việc tìm hiểu các nguồn lưu lượng truy cập vào trang web, tỷ lệ thoát của khách truy cập, tỉ lệ mở email và nhiều hơn thế nữa, hãy sử dụng các công cụ như Google Analytics, Piwik, Clicky, Hubspot’s Marketing Grader và báo cáo thống kê người sử dụng hoạt động của các dịch vụ email marketing.
3.3. Đánh giá, sắp xếp và lưu trữ thông tin phản hồi của khách hàng
Để tiếp thị và bán hàng một cách hiệu quả, bạn cần phải biết được những nhu cầu và nỗi thất vọng của khách hàng lý tưởng. Rất có thể là các khách hàng hiện tại đã cung cấp cho bạn thông tin phản hồi dưới hình thức những lời chứng thực và bình luận.
Những trang web như Foursquare cho phép các công ty tuyên bố công việc kinh doanh hoặc vị trí của họ để được quyền truy cập vào những hiểu biết người sử dụng chi tiết hơn (ví dụ như các đánh giá, bình luận). Kiểm tra các tài sản web thuộc sở hữu của doanh nghiệp bạn để xem khách hàng đang nói những gì về sản phẩm và dịch vụ của bạn.
3.4. Kiểm tra đối thủ cạnh tranh
Bằng cách nhìn vào sự hiện diện trên web của đối thủ cạnh tranh, bạn có thể hiểu biết tốt hơn về những chiến thuật mà họ đang sử dụng để xây dựng mối quan hệ với khách hàng. Tìm hiểu xem những gì có tác dụng với họ, những gì không, và quan trọng nhất là bạn có thể làm tốt hơn như thế nào.
3.5. Tìm hiểu từ số liệu thống kê người sử dụng
Hãy tự hỏi: đâu là đối tượng mục tiêu hoạt động tích cực nhất của công ty tôi trên trực tuyến? Họ có tham gia vào các diễn đàn, đọc blog, tweet hay tham gia với các đồng nghiệp trên LinkedIn? Có lẽ câu trả lời là: tất cả những điều trên. Rất may, hầu hết các cộng đồng trực tuyến đều cung cấp số liệu thống kê người sử dụng (ví dụ như Instagram Press, Twitter Usage, YouTube Statistics) cho phép nhà tiếp thị dễ dàng ưu tiên nơi họ đầu tư nỗ lực thu hút khách hàng của mình dựa trên sự tồn tại của các nhóm đối tượng đông đúc. Các xu hướng và nghiên cứu khách hàng có sẵn tại Pew.com, Scarborough.com và Arbitron.com.
3.6. Kiểm tra thư mục email đã gửi đi
Thư mục email đã gửi đi của những người trong đội ngũ nhân viên bán hàng rất có thể là một kho tàng thông tin đang chờ đợi để được khai thác. Bởi vì đội ngũ nhân viên bán hàng của bạn liên tục phản hồi các câu hỏi và yêu cầu từ khách hàng tiềm năng, việc phân tích những dữ liệu này sẽ giúp bạn hiểu được nhu cầu của các cá nhân hay tổ chức mà bạn chưa làm ăn cùng.
3.7. Đặt ra những câu hỏi
Không có gì đáng ngạc nhiên khi cách hiệu quả để nhận biết đối tượng của bạn là đặt ra cho họ những câu hỏi. Hãy thể hiện bản thân với thách thức này: tôi có thể sáng tạo như thế nào trong việc đưa ra các câu hỏi?
Hãy nhận biết nhu cầu, mong muốn của khách hàng lý tưởng, hành vi người mua, những hiểu biết về nhân khẩu học, các thông điệp mà họ phản hồi và nhiều hơn thế nữa bằng cách sử dụng một số công cụ khảo sát trực tuyến như SurveyMonkey. Như một sự khuyến khích để hoàn thành khảo sát, bạn có thể cung cấp cho khách hàng tiềm năng một cái gì đó để đổi lấy thời gian của họ hoặc gửi cho họ một số tặng phẩm công ty.
Mỗi ngày, hàng triệu người dùng đặt câu hỏi cho bạn bè của họ trên Facebook. Facebook Questions là “một tính năng cho phép bạn nhận được lời khuyên, tiến hành thăm dò và học hỏi từ bạn bè và những người khác trên Facebook”. Công cụ này là không còn sẵn có cho các Page, nhưng nhà tiếp thị vẫn có thể đặt câu hỏi với những người hâm mộ trong bài viết và nhận được câu trả lời trong bình luận.
Với Twitter, hãy đặt câu hỏi cho những người theo dõi của bạn với các hướng dẫn để thêm vào hashtag tùy chỉnh trong câu trả lời của họ để theo dõi sự tham gia của người xem. Khuyến khích người theo dõi retweet câu hỏi của bạn để thu thập thông tin phản hồi từ lượng đối tượng lớn hơn nhằm tiếp xúc nhiều hơn.
3.8. Tìm hiểu các cuộc trò chuyện thông qua từ khóa tìm kiếm, hashtag và xu hướng
Google Search là công cụ tìm kiếm được sử dụng nhiều nhất trên web, xử lý hàng tỷ lượt tìm kiếm mỗi ngày. Mặc dù trường tìm kiếm của các nền tảng mạng xã hội không phức tạp như Google, chúng cũng sử dụng các từ khóa để đem lại kết quả tìm kiếm và vẫn còn các công cụ hữu ích khác cho việc tìm hiểu khách hàng tiềm năng.
3.9. Tham gia vào các cộng đồng
Twitter List: Tạo ra danh sách (nhóm tuyển chọn) những người sử dụng Twitter của riêng bạn (thường được phân nhóm theo sở thích) hoặc đăng ký các danh sách được tạo bởi người khác.
LinkedIn Group: Nơi dành cho các chuyên gia có chung mối quan tâm trong cùng ngành hoặc ngành tương tự để chia sẻ nội dung.
Facebook Group: Người sử dụng Facebook tạo ra hoặc tham gia vào các nhóm dựa trên mong muốn kết nối và chia sẻ thông tin về những mối quan tâm chung của họ.
Pinterest Group Board: Các group board này chỉ dành cho người được mời. Như một nhà tiếp thị, chúng đại diện cho cơ hội để tìm hiểu về những gì khách hàng tiềm năng (thành viên trong nhóm) muốn và những mối quan tâm khác của họ.
YouTube Category: Chọn một category của YouTube, đa dạng từ DIY đến thể thao, sẽ đưa bạn đến một trang với các video được lựa chọn bởi biên tập viên của YouTube – nơi bạn có thể tìm thấy những người dùng YouTube có lượng khán giả lớn.
Google+ Hangout là nơi hội thoại nhóm được đồng bộ hóa và Google+ Community là nơi bạn có thể tạo các nhóm riêng tư với bạn bè hoặc gia nhập các cộng đồng công khai để thảo luận về niềm đam mê của bạn.
Reddit: Một trang web tin tức xã hội, nơi người dùng xác định một nội dung có giá trị / phổ biến bằng cách bỏ phiếu nó lên hoặc xuống. Nội dung được sắp xếp bởi các lĩnh vực quan tâm gọi là “subreddit”, cho phép nhà tiếp thị tìm kiếm những người dùng chia sẻ nội dung liên quan đến ngành của họ.
StumbleUpon: Một trang web tìm kiếm và đề xuất nội dung web cho người sử dụng của họ. Các tính năng cho phép người dùng khám phá và đánh giá các trang web, hình ảnh và video được cá nhân hóa theo sở thích của họ. Một mỏ vàng của tiếp thị cho việc tìm kiếm phân khúc đối tượng.
Diễn đàn & bảng tin: Mặc dù việc sử dụng các diễn đàn và bảng tin đã giảm trong những năm gần đây, chúng vẫn cung cấp những cơ hội để tìm hiểu về đối tượng mục tiêu.
Bí quyết nghiên cứu thị trường dễ dàng và nhanh chóng
3.10. Tìm kiếm các cuộc thảo luận
Twitter Trend: Các chủ đề phổ biến nhất của hội thoại trên Twitter (trong thời gian thực). Kiểm tra Trendsmap để có phân tích trong thời gian thực, xu hướng Twitter địa phương ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
Xu hướng trên Facebook: Những thảo luận mọi người đang có trên Facebook, dựa trên các từ khóa trong bài đăng và bình luận.
YouTube Trend: Khám phá những hiểu biết liên quan đến đối tượng mục tiêu của bạn bằng cách đọc báo cáo chi tiết của nền tảng này về các xu hướng trong hành vi người dùng.
Pinterest Pin: Tìm các thành viên của đối tượng mục tiêu trên Pinterest bằng cách tìm kiếm các “pin” có chứa những từ khóa liên quan đến ngành hoặc sản phẩm / dịch vụ của bạn.
Instagram Hashtag: Xác định những người dùng chia sẻ hình ảnh và trải nghiệm với khán giả của họ liên quan đến ngành của bạn. Người dùng Instagram tìm kiếm và kết nối với nhau bằng cách tìm kiếm các hashtag được thêm vào trong chú thích hình ảnh của người dùng. Điều này giúp cho các nhà tiếp thị dễ dàng tìm kiếm khách hàng tiềm năng để tham gia.
Bạn sẽ thực hiện các chiến lược này một cách khác nhau, tùy thuộc vào độ tuổi của công ty bạn. Một doanh nghiệp mới sẽ ở chế độ tấn công, cố gắng để chiếm thị phần từ đối thủ cạnh tranh. Một doanh nghiệp lâu năm sẽ đối diện, bảo vệ lãnh địa của mình khỏi những kẻ mới đến đang cố gắng xâm nhập. Biết được doanh nghiệp của bạn giao tiếp như thế nào với người tiêu dùng, liên quan đến đối thủ cạnh tranh và hàng xóm, có thể giúp bạn tiến xa hơn trong việc quyết định bước đi nào cần tiến hành tiếp theo.
Leave a Reply